Giao thông Hắc_Long_Giang

Năm 2011, các loại hình phương tiện của tỉnh Hắc Long Giang có khối lượng hàng hóa luân chuyển là 198,47 tỉ tấn.km, trong đó ngành đường sắt là 109,23 tỉ tấn.km, ngành đường bộ là 84,35 tỉ tấn.km, ngành đường thủy là 740 nghìn tấn.km, ngành hàng không là 160 nghìn tấn.km; khối lượng hành khách luân chuyển là 67,83 tỉ người.km. Tính đến cuối năm 2011, tỉnh Hắc Long Giang có 2.423.000 người sử hữu ô tô dân dụng.

Đường sắt

Ga Hương Phường (香坊站) tại Cáp Nhĩ Tân

Cục đường sắt Cáp Nhĩ Tân quản lý toàn bộ mạng lưới đường sắt trên địa bàn toàn tỉnh Hắc Long Giang và Hô Luân Bố Nhĩ của Nội Mông.[24] Tính đến năm 2011, tổng chiều dài đường sắt cho cục này quản lý là 7014,3 km, trong đó có 5081,3 km nằm trên địa phận tỉnh Hắc Long Giang. Trong năm 2011, cục đường sắt Cáp Nhĩ Tân đã thực hiện vận chuyển 113,28 triệu lượt hành khách và 245,47 triệu tấn hàng hóa; con số tương ứng trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang là 104,49 triệu lượt người và 165,23 triệu tấn hàng hóa. Ngày 1 tháng 12 năm 2012, tuyến đường sắt cao tốc Cáp Nhĩ Tân-Đại Liên (哈大客运专线, Cáp-Đạt vận chuyển chuyên tuyến) đã chính thức được đưa vào vận hành. Đây là tuyến đường sắt cao tốc nằm ở vùng vĩ độ cao giá lạnh đầu tiên của Trung Quốc và thế giới. Tuyến đường sắt cao tốc này dài 921 km với tốc độ tàu chạy theo thiết kế là 350 km/h, nối liền ba tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang.[25]

Đường bộ

Tính đến cuối năm 2011, tổng chiều dài hệ thống công lộ trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang là 155.592 km, đạt mật độ 34,3 km/km². Trong đó, có 6.985 km quốc lộ, 8.808 km tỉnh lộ, 7.906 km huyện lộ, 54.646 km hương lộ, 12.305 km công lộ chuyên dụng và 64.762 km thôn lộ. Về mặt kỹ thuật, phân thành bốn cấp: 3.811 km công lộ cao tốc, 1.186 công lộ cấp 1, 8.848 km công lộ cấp 2, 32.298 km công lộ cấp 3, 77.989 km công lộ cấp 4. Vẫn tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh Hắc Long Giang có 984 bến xe khách, 7.823 tuyến vận chuyển hành khách, mỗi ngày vận chuyển trung bình 691.000 người. 100% số hương trấn và 99,5% đơn vị cấp thôn trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang đã thông xe khách; ngoài ra tỉnh Hắc Long Giang còn có 119 trạm vận chuyển hàng hóa đường bộ. Trong năm 2011, hệ thống công lộ của tỉnh Hắc Long Giang đã vận chuyển được 390 triệu lượt hành khách và 440 triệu tấn hàng hóa, chiếm 77% và 67% lượng vận chuyển tổng hợp toàn xã hội. Số ô tô trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang tính đến cuối năm 2011 đạt 2,423 triệu xe, trong đó có 553 nghìn xe tải, 1.734.000 xe chở khách và 137.000 xe khác.[16]

Đường thủy

Thuyền bên bờ sông Amur (Hắc Long Giang) tại Hắc Hà

Hệ thống sông Amur (Hắc Long Giang) là một trong ba thủy hệ thông hành chủ yếu tại Trung Quốc, các sông thông hành chủ yếu là Hắc Long Giang, Tùng Hoa Giang, Ô Tô Lý Giang, Nộn Giang và Ngạch Nhĩ Cổ Hà, Tùng Hoa Giang Đệ Nhị và hai hồ Hưng Khải, Kính Bạc. Tổng chiều dài các thủy hệ thông hành trên địa phận Hắc Long Giang là 7.667 km, có thể thông đến 9 địa cấp thị, 55 huyện (và kỳ) và trên 70 nông trường và lâm trường tại ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và khu tự trị Nội Mông cùng nhiều thành phố cấp trung và lớn ở vùng Viễn Đông Nga như Khabarovsk hay Blagoveshchensk. Có thể đi bằng đường thủy trực tiếp từ tỉnh Hắc Long Giang (qua lãnh thổ Nga) rồi vượt biển đến Nhật Bản, Hàn Quốc và các cảng ở duyên hải đông nam của Trung Quốc. Đường thủy là tuyến đường thông thương chủ yếu trong quan hệ mậu dịch cửa khẩu giữa Trung Quốc và Nga. Trong đó, biên giới Trung Nga trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang có 2593 là theo sông hồ (Hắc Long Giang: 1861 km, Ô Tô Lý Giang: 455 km, hồ Hưng Khải: 277 km). Đến năm 2011, toàn tỉnh Hắc Long Giang có 24 cảng, năng lực thông quan mỗi năm là 15 triệu tấn hàng hóa và 3,5 triệu lượt người, trong đó có hai cảng "chủ yếu" là Cáp Nhĩ Tân và Giai Mộc Tư; 13 cảng "trọng yếu" với hai cảng Hắc Hà và Đồng Giang là cảng ngoại thương trọng yếu.[16]

Đường hàng không

Tính đến năm 2011, toàn tỉnh Hắc Long Giang có 125 tuyến bay hàng không, trong đó có 110 tuyến quốc nội và 14 tuyến quốc tế, 1 tuyến khu vực. Đến năm 2011, tỉnh Hắc Long Giang có 78 sân bay, trong đó có 9 sân bay dân dụng là sân bay quốc tế Thái Bình Cáp Nhĩ Tân, sân bay Tam Gia Tử Tề Tề Cáp Nhĩ, sân bay Hải Lãng Mẫu Đơn Giang, sân bay Giai Mộc Tư, sân bay Hắc Hà, sân bay Mạc Hà, sân bay Tát Nhĩ Đồ Đại Khánh, sân bay Lâm Đô Y Xuân, sân bay Hưng Khải Hồ Kê Tây. Ngoài ra, tỉnh Hắc Long Giang còn có căn cứ hàng không phòng hộ rừng Y Xuân, Tháp Hà, Nộn Giang, Gia Cách Đạt Ký, Hạnh Phúc, Đông Phương và 63 cơ sở bay phục vụ nông nghiệp. Năm 2011, ngành hàng không của tỉnh Hắc Long Giang đã vật chuyển được 7.841.521 lượt hành khách.[16]